Danh họa Dương Bích Liên | 1924-1988

Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giầu có, Dương Bích Liên là con trai duy nhất của một ông quan tri phủ (Ông sinh ngày 17/7/1924 ở Hà Nội). Nhưng đến năm 17 tuổi bỗng dưng máu nghệ sĩ giời cho đã nổi lên và ông đã muốn từ bỏ cảnh sống giầu sang để chạy theo cuộc đời gió bụi.Ông gặp gỡ họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vào năm 1941,khi đó Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vừa thiết kế xong chiếc xe ngựa và đặt tên cho chiếc xe tự chế của mình là " Nhà Lăn Mê Ly" ,hoạ sĩ dùng chiếc xe ngựa kéo này làm phương tiện giao thông để đi vẽ trực cảnh khắp đó đây,và Dương Bích Liên đã được họa sĩ Hoàng Lập Ngôn cho nhập hội, lên xe lăn... xuyên Việt. Nhưng chiếc xe "Nhà Lăn Mê Ly" tưởng sẽ phiêu du đất trời dài lâu nhưng chỉ lăn được đến Thanh Hoá thì quan phủ sai người đi truy tìm. Người nhà quan phủ tìm ra "Nhà lăn Mê Ly" và áp giải cậu công tử về nhà. Sau chuyến lãng du có tính chất số mệnh ấy, Dương Bích Liên đã quyết định ghi tên theo học Trường Mỹ Thuật Đông Dương.Từ đây, Dương Bích Liên đã bắt đầu bước vào cuộc chơi với nghệ thuật của hình và mầu.
Với một lối sống như người lập dị, bất cần
Ông là họa sĩ cô đơn và kỳ dị,"Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế nên tôi xin thu mình nhỏ lại" Dương Bích Liên là người có tật nói lắp, nhiều câu nói của ông, tôi đã nghe ông lặp đi lặp lại nhiều lần. Và mỗi khi ông chợt nghĩ ra một câu nào hay hay, của ông hay trích dẫn của ai đó, thì cứ cách vài phút ông lại nói lại và cứ mỗi lần ông nói lại câu đó lại là... nói lắp, khiến người nghe buộc phải thuộc lòng câu nói đó, "Chơi càng hay, vẽ càng hay" và " Chúng mình mất hết chỉ còn nhau", rồi "Đi và về cùng một nghĩa như nhau" và " Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ" Một câu nữa của ông cũng rất gây ấn tượng cho tôi : " Cuộc sống càng nhiễu nhương thì nghệ thuật càng trở nên trừu tượng"...

Dương Bích Liên

Tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên


Lúc sinh thời, Dương Bích Liên thường hay đến chơi Bùi Xuân Phái, hai ông là bạn cùng học từ thời là sinh viên trường Mỹ thuật Đông dương. Họ thấu hiểu và cảm thông những quan điểm nghệ thuật của nhau, ngay cả đôi khi họ có những khác biệt về suy nghĩ.

Dương Bích Liên có cách nói chuyện về hội họa dễ gây ấn tượng cho người nghe, ông cho rằng hội họa là cõi riêng tư, là nơi bộc lộ những cảm xúc của mình, mỗi tác phẩm phải có dấu ấn riêng của tâm hồn, dù chưa ai hiểu, chưa ai thích cũng không cần bận tâm nhiều. Ông chỉ vẽ những vấn đề đã yêu thích và nghiền ngẫm thật sâu về nó. Mặt khác, nghệ thuật của Dương Bích Liên có tác động nhiều bởi lý thuyết sách vở mà ông nghiên cứu rất nhiều, hầu như những sách ông nghiên cứu đều bằng nguyên tác tiếng Pháp. Có lẽ vì thế đã làm ông trở nên khó tính với chính mình, ông vẽ chậm và nhọc nhằn hơn nhiều nếu so sách với lối vẽ và quan niệm của Bùi Xuân Phái. Một lần ông cũng có nói " Moi vẽ bức thiếu nữ, thường thì ngay từ đầu, bên trong moi phải có cái ham muốn faire lamour với người thiếu nữ ấy thì bức tranh mới có thể đẹp được" Nghĩa là ông cũng chỉ thích vẽ những gì đã làm ông ham muốn và yêu nó.
Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên ở vào thập niên 60, 70, trong những năm tháng này, ông đã từng hăm hở gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng đều đã sớm bị loại, như bức "Hào" và bức "Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân" Riêng bức thứ 2, sau khi bị loại, người ta không bao giờ còn thấy tăm tích tác phẩm này nữa, và cũng không thấy có ai nói đến nó nữa. Bức tranh mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khu Việt Bắc. Lý do bức tranh bị loại là họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện. Nhưng theo cách lý giải của Dương Bích Liên thì chỉ khi nào người ta extreme (cực sướng) thì người ta mới thường nhắm mắt.Ông muốn giải thích rằng người lính đang ngất ngây khi nghe lãnh tụ căn dặn,chỉ bảo. Nhưng vào thời thời đó, cách diễn giải của người họa sĩ không thuyết phục được ban giám tuyển, vì họ cho rằng, lãnh tụ đang nói chuyện mà người nghe lại ngủ, thế nên tác phẩm này bị loại ngay khi họ vừa được nhìn thấy nó. Người ta cho rằng Dương Bích Liên đã tự ái và đau buồn vì sự ghẻ lạnh của giới chính thống đối với những tác phẩm của mình, thế nên về cuối đời ông đã gần như không có hứng thú sáng tác, ông rơi vào chán nản và gần như bỏ cuộc, người ta không thấy họa sĩ vẽ thêm được tác phẩm nào xuất sắc nữa. Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ " Sáng, Nghiêm, Liên, Phái" tổ chức triển lãm cá nhân. Chỉ có riêng Dương Bích Liên từ chối, lý do chính và cũng là sự giải thích dễ thấy nhất là trong xưởng vẽ của ông hầu như chẳng còn có bức tranh nào. Tất cả tác phẩm đã được ông cho 'lên đường' để đổi lấy những chai rượu mạnh từ trước đó.

tranh Dương Bích Liên

Tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên

Nhìn vào những tác phẩm Dương Bích Liên để lại người ta nhận thấy, mảng đề tài Chân dung thiếu nữ của Dương Bích Liên được xem là thành công hơn cả, và có một thành ngữ của giới mộ điệu Phố Phái - Gái Liên đã khẳng định điều đó.
Trước khi giã từ trần thế , Dương Bích Liên đã bày tỏ nguyện vọng của mình với bạn :" Sau này, trong cái ngày tôi sang bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái, chúng ăn mặc thật correct. Chỉ có hai đứa trẻ ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa trở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang và đừng có người lớn nào đi theo cả." Nhưng khi Dương Bích Liên chết, người ta đã không dám chiều theo ý muốn đó của ông. Vài năm sau khi Dương Bích Liên chết, các nhà làm phim đã dựng lại toàn bộ chi tiết mà nguyện vọng của nhà danh họa đã bày tỏ, có hai đứa trẻ, ăn mặc đúng điệu, theo kiểu Châu Âu, lững thững đi theo chiếc xe ngựa trở cỗ quan tài, vừa đi chúng vừa rắc những cánh hoa xuống hai ven đường, trong khung cảnh của trời chiều mùa thu. Bộ phim có tựa đề là :Sắc vàng lặng lẽ

tranh Dương Bích Liên

Tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên

tác phẩm của danh họa bùi xuân phái, bạn hs dương bích liên

Đây là tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái
nhiều nhà sưu tập nói " phố Phái, Gái Liên", quả đúng không sai, khi các bạn xem hình các tác phẩm trên
sưu tập được tranh của bộ "tứ trụ" thì đúng là 1 nỗ lực không hề nhỏ, thậm trí là cực kì tốn kém, khó khắn đúng không các bác ST?

Hẳn gần đây, có một số NST tại Hà Nội được xem bức "Hào" nổi tiếng và câu chuyện về bức họa của danh họa Dương Bích Liên

bức Hào của Danh Họa Dương Bích Liên

bức Hào của Danh Họa Dương Bích Liên, hiện trong bộ sưu tập của

ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, chủ của Gallery Apricot nổi tiếng phố Hàng Gai.

 

 

Nghệ sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa Bùi Xuân Phái kể: “Tác phẩm 'Hào' của Dương Bích Liên là tác phẩm có 'vấn đề' nặng, gây dư luận xôn xao trong giới họa vào thời đó. Bức này Dương Bích Liên vẽ để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhưng nó bị loại ngay từ đầu mà không cần bàn cãi nhiều, vì khi nhìn vào tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng này, người ta thấy được miêu tả với trạng thái nội tâm của người nghệ sĩ, nó ảm đạm và lạnh lẽo đến rùng mình, những chiến sĩ như đang lầm lũi tiến vào đường hào hun hút dường như chấp nhận số phận... Một tác phẩm hội họa như dự báo trước một điều gì đó. Bản thân nhà văn Nguyễn Tuân ban đầu xem bức tranh này thấy không gian của nó có vẻ như hoang mạc, lo ngại cho bạn, nên đề nghị Dương Bích Liên thêm hai quả tên lửa ở nơi chân trời bức tranh cho đỡ trống vắng. Anh em họa sĩ ngày đó khi xem bức 'Hào', thường nói vui về tên gọi bức tranh là: 'Hai quả tên lửa của Nguyễn Tuân'. Nhưng cho dù có thêm hai quả tên lửa thì bức tranh vẫn không thay đổi được mấy vẻ cô hồn, ma mị của nó. Bức tranh đã gây nên những rắc rối lớn và ưu phiền cho Dương Bích Liên một thời gian dài”.

Vâng, “Hào” là câu chuyện của năm 1972, thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống. Dương Bích Liên vốn nổi tiếng là một họa sĩ duy mỹ, chỉ “thiên” về vẽ thiếu nữ, phong cảnh thanh vắng; nên khi nghe tin ông vẽ tranh về chiến tranh, rất nhiều anh em nghệ sĩ, gồm cả nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, đạo diễn Phạm Văn Khoa... đã rủ nhau đến xem tranh. Bức tranh với kích thước 147 x 200 cm, nếu trong bối cảnh hiện nay cũng chỉ đơn giản là một tranh khổ lớn, nhưng đặt trong bối cảnh thời chiến, khi vật liệu vẽ rất hiếm và được phát theo “khẩu phần”, thì mới thấy Dương Bích Liên đã dụng công cho tác phẩm đến thế nào. (Ông không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ ra vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như chuyện bịa, cảnh nằm mơ".)

Những tác phẩm nổi tiếng của ông là: "Đi học đêm" (sơn dầu), "Mùa gặt" (sơn dầu), "Chiều vàng" (sơn mài), "Chiều biên giới", "Lều hoang", "Dĩ vãng", "Hai em bé bên sông Hồng", "Bác Hồ qua suối", "Hào", "Mùa thu và thiếu nữ", "Đi cấy sau mùa lũ", "Thiếu nữ bên hồ", "Thiếu nữ và hoa phong lan"... Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với bao tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất.

Nhưng “Hào”, với cái sự lạnh lẽo, với cảm giác “mênh mông” như nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân, đã không được chấp nhận. Ngay cả khi đã thêm hai quả tên lửa như gợi ý của Nguyễn Tuân như đã nói trên, bức tranh vẫn bị BTC triển lãm từ chối, thậm chí, bức tranh còn gây ra nhiều sóng gió cho Dương Bích Liên khi bị đánh giá về tư tưởng, tinh thần...


Không được tham dự triển lãm mỹ thuật, lại cũng không phải là bức tranh thuộc “sở trường” của mình, phải chăng vì thế mà Dương Bích Liên cũng ít quan tâm tới số phận bức tranh, khiến cho “Hào” ba chìm bảy nổi. Lúc ấy, khi BTC triển lãm mỹ thuật trả lại bức tranh cho họa sĩ, ông Bổng "nháy" phố Hàng Buồm, một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng thời đó, đã đề nghị với họa sĩ rằng sẽ chở tranh về giúp, với điều kiện là cho ông ta mượn một thời gian để xem. Ông Liên đồng ý, thế là ông Bổng cùng người nhà đem... xe bò đến chở bức “Hào” về nhà.

Lúc ấy, nhà văn Tô Hoài vừa đi Nga về, biết chuyện bức tranh “Hào”, đã đến chơi với họa sĩ và đề nghị mua lại “Hào”. Do bức tranh vẫn đang ở nhà của ông Bổng “nháy”, nên Dương Bích Liên đã viết giấy để nhà văn Tô Hoài đến lấy lại tranh. Khi đó, do đã biết giá trị của bức tranh, nên ông Bổng còn định không trả lại.

Yêu mến bức tranh “Hào”, nhưng khi đem về nhà, vì tranh quá to, nên nhà văn Tô Hoài phải gác tạm trong nhà, có khi để cả trên giường vì treo rất vướng. Đúng lúc đó, nhà văn Nguyên Hồng trong một lần lên nhà Tô Hoài chơi, thích bức tranh quá, nên xin mua lại. Thấy để tranh cũng chật nhà, lại nể người bạn thân, Tô Hoài đã để lại cho nhà văn Nguyên Hồng.

Ở nhà Nguyên Hồng, số phận bức tranh cũng không khá khẩm hơn. Do nhà chật, ẩm thấp, không có điều kiện bảo quản, nên được một thời gian thì “Hào” bắt đầu bong tróc, nhà văn Nguyên Hồng đã phải nhờ... xe pháo đưa tranh từ Yên Thế (nơi ông sống) về Hà Nội để họa sĩ Dương Bích Liên sửa lại. Đó là khoảng gần năm 1975, khi đất nước sắp thống nhất.

Cái thời ấy, giá trị tranh có khi chỉ là vài cút rượu, ít màu nước là xong; nên khi sửa xong, Nguyên Hồng cũng chưa kịp lên lấy tranh, còn Dương Bích Liên thì xếp trong đám tranh của mình và cũng quên luôn “Hào”. Phải sau giải phóng vài năm, khi ông Nguyễn Trường đến đề nghị mua lại “Hào”, họa sĩ mới nhớ ra và đồng ý bán cho ông Nguyễn Trường cũng chỉ với giá vài cút rượu.

Sau này, ông Nguyễn Trường bán tranh cho giám đốc Xunhasaba, ông Ngô Luân, với giá 8.000 đồng để về nhà "che chỗ khuỷu cầu thang cho khỏi gió"...

Cuối những năm 1980, đầu 1990, tranh của các họa sĩ Việt Nam bắt đầu có giá. Năm 1989, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng đề nghị mua bức “Hào” với giá 6.000 USD (một cái giá rất cao thời đó), nhưng ông Ngô Luân không bán. Và đến năm 1995, trước khi mất, ông Ngô Luân mới bán bức tranh “Hào” cho một nhà buôn tranh Việt kiều ở Singapore là ông Hà Thúc Cần, với giá 15.000 USD.

Ông Hà Thúc Cần mua được tranh “Hào” rồi, giữ riêng trong nhà. Tới khoảng năm 2001 - 2002, ông Cần bị ốm nặng và trước khi chết, đã bán đi rất nhiều tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có bức “Hào”. Sau đó thì không ai biết thêm về số phận của “Hào” nữa, chỉ nghe đồn là “Hào” đã thuộc về ông chủ Gallery Apricot; nhưng ông không cho ai xem, chụp ảnh, cũng không tiết lộ giá mua bao nhiêu.

Và giờ đây tin đồn đã không còn là tin đồn nữa, bức tranh cũng không còn là bí ẩn nữa, mà đã chính thức trở lại với công chúng Thủ đô. Nhưng ngắm bức tranh, không như suy nghĩ của những người thời 1972, công chúng thấy “Hào” sao mà ấm áp, ấm áp trong cả hình ảnh những đường hào đan chéo, trong cả màu đất vàng vọt, trong cả cái bóng của những người lính dưới đường hào lặng lẽ. Cái ấm áp của một giá trị nghệ thuật đã trở lại với công chúng, cái ấm áp của một nhân chứng của thời chiến tranh xưa, khi cha ông ta đã kiên trì chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình, giành lấy nền độc lập cho hôm nay.

 

Và giờ bức tranh “Hào” nổi tiếng của danh họa Dương Bích Liên ra mắt trở lại công chúng Thủ đô, sau thời gian rất dài bôn ba trong ngoài nước và sau thời gian cũng rất dài nằm yên trong bộ sưu tập của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, chủ của Gallery Apricot nổi tiếng phố Hàng Gai.

Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông mà nâng niu cất giữ hộ. Mỗi một bức đều có một số phận, một giá trị riêng và kèm theo không ít những giai thoại.

Trong nhóm "tứ kiệt" Nghiêm, Liên, Sáng, Phái thì họa sỹ Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông đã "tự nguyện chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản thân", nhưng với "Hào" ông không còn có thể giữ im lặng trong giới yêu và sưu tập tranh nữa đúng không các bạn?

 

Hình ảnh tranh và thông tin nội dung đăng tải được lấy từ nguồn lưu của google.com

 

Hotline: (84) 913 323.977
Chat Facebook
Gọi điện ngay